Quần thể kiến trúc khu vực núi chính Khu du lịch Núi Bà Đen

Quần thể công trình khu vực chân núi

Tượng Dũng sỹ núi Bà Đen

Tượng đài Dũng sỹ núi Bà Đen.

Đầu năm 1962, một đơn vị trinh sát và thông tin (Liên đội 7) của mặt trận Tây Ninh (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) đã được cử lên khu vực núi Bà Đen để hoạt động.[49] Lúc bấy giờ, quân lực Hoa KỳViệt Nam Cộng hòa đang đóng giữ khu vực đỉnh núi nên đã khiến quân của lực lượng của mặt trận Tây Ninh di chuyển sang sườn phía Bắc núi Phụng thuộc cụm núi Bà Đen.[49][6] Hai bên tiếp tục có những căng thẳng leo thang trong suốt thời gian đó.[6][7] Cuối cùng vào ngày 6 tháng 1 năm 1975, khi không có thức ăn và nước uống, đạn dược đã sử dụng gần hết, đại đội của Hoa Kỳ cùng Việt Nam Cộng hòa đã đưa các thương binh và rút xuống núi về tuyến thiện chiến.[50] Từ đó cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, khu vực này đã được Liên đội 7 kiểm soát.[49] Nhằm tưởng niệm 181 người được cho là đã tử vong trong cuộc chiến, chính phủ Việt Nam đã cho xây dựng một tượng đài mang tên "Dũng sỹ núi Bà Đen".[49]

Chùa Linh Sơn Phước Trung (Chùa Trung)

Chùa nằm ở vị trí chân núi Bà Đen, theo hệ phái Bắc Tông được thành lập vào năm 1876, người sáng lập là Tổ Thanh Thọ và Tổ Phước Chí với diện tích 2.329,2 m², Chùa Trung là 1 trong 5 điểm được khoanh vùng bảo vệ I của khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.[51][1] Chùa trước đây là nơi Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh Tây Ninh xây dựng lực lượng trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương từ năm 1946.[51] Ngoài ra, chùa Trung còn sở hữu bức tượng của thái tử Tất Ðạt Ða ở trong khuôn viên chùa, người được cho là khi vừa mới sinh ra bước 7 bước đã làm nở được 7 đóa sen hồng,...[52] Vào tháng 12 năm 2016, tỉnh hội Phật giáo tỉnh đã xây dựng hoàn tất giảng đường Tâm Hòa do Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa chủ trì, nơi này được sử dụng để tổ chức đại giới đàn cho tăng sinh khu vực miền Nam.[52]

Động Kim Quang

Động Kim Quang là một hang động tự nhiên khá rộng nằm về hướng Nam núi Bà Đen.[53] Hang động cách chân núi khoảng 500 m nhưng địa hình khá hiểm trở, một con suối cắt ngang với một chiếc cầu treo nối hai bờ vực. Trước cửa hang động có một quyển sách cách điệu nói về lịch sử của hang động. Trong khu vực động còn có 3 cụm tượng, tái hiện lại hoạt động của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.[54] Đây là nơi đóng quân của Huyện đội Tòa Thánh (nay là thị xã Hòa Thành) trong Chiến tranh Việt Nam.[53][54]

Quần thể công trình khu vực chùa Bà

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự (Chùa Bà)

Bồ tát Quán Thế Âm trong khuôn viên Linh Sơn Tiên Thạch Tự.Lối đi lên quần thể chùa Bà trước khi được cải tạo mở rộng diện tích.

Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao lưng chừng núi 350 m, được biết đến với cái tên chùa Bà (Linh Sơn Tiên Thạch Tự) hay chùa Phật, chùa Thượng được hình thành từ năm 1745 và xây dựng vào năm 1763 với diện tích hiện nay là 6.151,8 m² (cũ 210 m²). Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất, có tuổi thọ cao nhất ở Tây Ninh, biểu trưng cho văn hóa Phật giáo ở Tây Ninh.[1][2] Chùa đã được trùng tu và khởi dựng lại vào năm 1997.[1]

Ở sân chùa Phật có tôn trí tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.[55] Nơi thờ tự chính của chùa là hang đá nhỏ có bức tượng Ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu nặng 240 kg.[1]

Hiện nay, hai cột đá xanh được tạc từ đầu thế kỷ 20 khu vực tiền đường, mỗi cột cao 2,5 m với đường kính 0,25 m, chạm hình rồng vẫn còn được chùa lưu giữ. Chính điện chùa rộng khoảng 200 m² với nhiều cột kèo, khu vực thờ được sơn màu son thếp vàng. Chùa còn sở hữu tượng Phật Thích Ca cao 2,5 m, hai bên là tượng Bồ Tát, Thập Bát La Hán.[56]

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2019, "Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen" tại chùa Bà thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen đã được công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và chính thức khánh thành công trình mở rộng mặt bằng sân chùa. Hiện diện tích của sân chùa đã được mở rộng 6.000 m² với sức chứa khoảng 35.000 người do UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng và được Tập đoàn Sun Group tài trợ.[21]

Chùa Linh Sơn Hòa Đồng (Chùa Hòa Đồng)

Chùa Linh Sơn Hòa Đồng được xây dựng theo kiến trúc quen thuộc của chùa miếu Nam Bộ, khôi phục từ một ngôi chùa cũ mà Hòa thượng Thích Giác Điền từng tu tập trong những năm của thế kỷ 20.[1] Ngôi chùa được đặt cách chùa Bà không xa với diện tích khoảng 200 m² và nằm ở độ cao khoảng 350 m.[1] Tại đây, khi nhìn ra còn có thể thấy được hồ Dầu Tiếng và suối Tha La.[57]

Chùa Hòa Đồng có hai lớp nhà liên tục song song nhau với lớp phía trước có cấu trúc kiểu tứ trụ với bộ khung 4 trụ ở giữa, 3 gian, 3 nhịp. Mặt bằng chính điện chùa có kích thước ngang 10,8 m và sâu 9,9 m cùng một sảnh mái đón 2,4 m ở gian giữa của chùa.[57] Trước khi vào chùa Hòa Đồng sẽ có một hang Gió nhỏ trên đường đến chùa,[57] nơi đây xuất hiện những ngọn gió thổi ra nhưng không ai rõ từ đâu.[58] Một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn cũng xuất hiện trên đường vào chùa Hòa Đồng.[56]

Chùa Linh Sơn Long Châu (Chùa Hang)

Cách chùa Bà khoảng 100 bậc thang, du khách sẽ đến được khu vực chùa Hang hay chùa Linh Sơn Long Châu theo hệ phái Bắc Tông được thành lập vào năm 1830, trùng tu năm 1995. Ngoài ra, khu vực chùa Hang còn có bia tưởng niệm 181 cán bộ trinh sát của Phòng Quân bảo – Bộ Tham mưu miền B2 đã qua đời trong Chiến tranh Việt Nam.[1] Một nhà ga cáp treo của núi Bà Đen cũng đã được đặt tên theo tên của ngôi chùa.[56]

Chùa Quan Âm

Chùa Quan Âm, còn được gọi với tên gọi khác là Động Ba Cô, là ngôi chùa cao nhất trong quần thể chùa ở khu vực chùa Bà. Tại đây, chùa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát cùng nhiều miếu và hang động nhân tạo thờ Cô và thờ Mẫu. Các hang động ở đây được hình thành bằng những phiến đá khổng lồ tự nhiên và được bố trí giả thạch nhũ từ trên trần rũ xuống cùng tiếng nước chảy xung quanh.[1]

Quần thể công trình khu vực đỉnh núi

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh Núi Bà Đen.

Bức tượng với tổng chiều cao 72 m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ nguyên chất theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại đây đã xác lập kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi" và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi".[59][60]

Tập đoàn Sun Group cùng nhà điêu khắc Phạm Bá Đua là người đã tạo nên thiết kế của bức tượng được dựa nguyên mẫu của tượng Phật thời Lê. Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng, cánh sen cũng được phỏng lại theo cánh sen thời Lê, được tạo hình mây cùng 3 giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.[61] Đầu của bức tượng đội vương miện chạm khắc hình ảnh của Đức Phật A Di Đà.[60] Tay trái của bức tượng cầm bình Cam Lồ đang dốc xuống biểu tượng cho hành động ban phát phước lành của Bồ tát và tay phải là bắt quyết Ấn giáo hóa, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.[lower-alpha 5][62] Tượng đã được tham khảo các mẫu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại Chùa Trầm (Hà Tây cũ), chùa Gián (Hải Dương) cùng một số pho tượng đang là bảo vật quốc gia được lưu trữ trong bảo tàng lịch sử - mỹ thuật.[62]

Dưới chân tượng Phật Bà là khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo 4 tầng với tổng diện tích lên tới 4.410 m² cùng lối kiến trúc đồng tâm bao gồm không gian nội thất sử dụng 3 loại đá như đá granite tự nhiên, đá trắng của Ý và đá nâu Tây Ban Nha.[63][64] Ở tầng đầu tiên là một Đại sảnh mái vòm, công nghệ chiếu phim video 3D-mapping sẽ trình chiếu đoạn video khám phá về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo.[64][65] Mái vòm trình chiếu có đường kính lên tới 20 m cùng độ phân giải sở hữu khoảng 16 triệu pixel dạng vòm.[63] Còn tầng thứ hai là khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo qua công nghệ hình ảnh 3 chiều hologram và các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện).[66] Tầng thứ ba sẽ là nơi triển lãm, trưng bày hàng trăm tạo vật như pho tượng, tranh, phù điêu nổi tiếng của Phật giáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới[65][63] có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.[66] Các bức tranh được giữ bằng nghệ thuật sơn dầu và phù điêu gỗ, trong khi đó tượng là đồng mạ vàng và gỗ phủ sơn,...[63] Ở tầng cao nhất bên trong khối đế Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là nơi lưu trữ và trưng bày xá lợi Phật.[64][63] Căn phòng đặt xá lợi được bao quanh bởi 3 bức tường nước và chín bức tranh chữ Phạn in "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh".[63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khu du lịch Núi Bà Đen http://www.vamvo.com/TayNinh/tabid/1847/ArticleId/... http://www.manchu.org/country/Nui_Ba_Den/ //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://beta.baolamdong.vn/dulich/kham-pha/202203/s... https://www.facebook.com/sunworldbadenmountain/ https://www.facebook.com/sunworldbadenmountain/pos... https://www.guinnessworldrecords.com/world-records... https://phanxipang.wordpress.com/2012/02/01/hanh-h... https://www.youtube.com/watch?v=C6T3uKk3nJo https://history.army.mil/html/books/090/90-29/CMH_...